Nga thoái trào

Zachary Keck - thediplomat.com
Hoàng Thuyên tóm lược 
Đừng bị lừa bởi mã ngoài của Putin; các cột trụ quyền lực của Nga đang trên đà xuống dốc

Gần đây nhìn đâu người ta cũng thấy sự trỗi dậy của Nga. Mặc dầu Vladimir Putin cất công xây dựng hình ảnh này, nó chỉ là ảo ảnh. Nga sẽ thoái trào trên đường dài và các động thái ngắn hạn không đủ để bù đắp cho sự thoái trào này.

Quyền lực của Nga dựa vào bốn cột trụ chính: dân số, năng lượng, vũ khí, địa dư. Ba trong bốn cột trụ này đang trên đà thu hẹp.

Cột sống quyền lực nước Nga đương đại là lượng dân số to lớn. Điều này được minh họa rõ nhất trong Thế Chiến Thứ Hai. Nga dĩ nhiên là đóng vai trò lớn trong việc ngăn chận đà tiến của phát-xít Đức. Tuy nhiên Stalin đã bại quân đội Đức chẳng phải nhờ tài chiến lược hay chiến thuật gì cả, mà hầu như nhờ vào sự sẵn sàng hy sinh nhân mạng. Theo ước lượng, Sô Viết có khoảng 22 đến 28 triệu người chết trong Thế Chiến Thứ Hai. Hoa Kỳ và Anh có khoảng nửa triệu người chết. Đức có vào khoảng 7 đến 9 triệu người chết. Thế mà trong nửa thế kỷ sau Đệ Nhị thế chiến Sô Viết vẫn là một mối đe dọa lớn cho khối Tây Âu giàu mạnh vì có một đội quân đông đảo.

Nhưng đến nay, cũng như số phận của các quốc gia Âu châu khác, dân số Nga giảm dần. So sánh sau đây sẽ cho thấy rõ: trong mười sáu năm chót của thời đại cộng sản Sô Viết, số lượng sinh đẻ cao hơn số người qua đời là 11.4 triệu, nhưng trong mười sáu năm hậu-Sô Viết, số người qua đời nhiều hơn số sinh đẻ là 12.4 triệu. Trừ khi Nga lật ngược xu hướng giảm dân, dân số thấp trong tương lai sẽ không tạo tầm ảnh hưởng cho Nga trên chính trường thế giới.

Một cột trụ quyền lực khác của Nga là nguồn năng lượng dự trữ khổng lồ. Giá dầu cao trong thập niên 70 đã giúp Sô Viết có điều kiện biểu diễn sức lực đối với bên ngoài. Nhưng với giá dầu ổn định trong thập niên 80 đã khiến cho Sô Viết không đủ tiền để nuôi dưỡng một đế quốc rửa nát và rồi dẫn đến sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết và khối cộng sản Đông Âu. Cái gọi là sự trỗi dậy của Nga mà Putin đang hưởng cũng chỉ nhờ vào giá dầu cao. Rồi cũng như nhóm lãnh tụ Sô Viết trước đó, Putin phung phí nguồn tài nguyên dựa vào giá năng lượng cao thay vì đầu tư vào đất nước và người dân.

Trong năm 2012, dầu và khí đốt chiếm 70% tổng số lượng xuất cảng. Thâu nhập từ dầu và khí đốt chiếm phân nửa của ngân sách quốc gia. Mô hình kinh tế lệ thuộc vào dầu và khí đốt này chỉ bền vững ngày nào giá năng lượng vẫn còn cao. Nhưng trong tương lai, giá năng lượng sẽ giảm vì mức độ hiệu năng sử dụng năng lượng của Tây phương sẽ tăng, tốc độ phát triển của phương Đông chậm lại, tổng số năng lượng cung cấp sẽ tăng vì có những nguồn năng lượng khác được khai thác trên thế giới. Giá dầu mà đi xuống thì quyền lực của nhà nước Nga cũng xuống theo.

Cũng như Sô Viết trước đó, nước Nga của Putin vẫn còn một số ảnh hưởng trên thế giới nhờ buôn bán vũ khí quân sự. Tuy kỹ thuật quân sự của Nga thua kém Tây Âu và Hoa Kỳ, nhưng cũng đủ để phục vụ nhu cầu an ninh quốc gia của một số nước trên thế giới. Quan trọng hơn nữa là Moscow sẵn sàng bán vũ khí cho những nơi mà thế giới phương Tây không “chơi” vì lý do đạo lý hay vì chiến lược. Nguồn ảnh hưởng này cũng sẽ thu nhỏ lại trong những năm sắp tới. Ở một số nơi là vì ngân sách quốc phòng của các nước đó giảm xuống. Nhưng trong các trường hợp khác là vì có cạnh tranh đến từ những xứ như Trung Quốc, Nam Hàn, v.v... và Trung Quốc cũng sẵn sàng cạnh tranh bán vũ khí cho bất cứ ai.

Do đó, trên đường dài quyền lực của Nga hầu như đến từ vị trí địa dư chiến lược của nó – nằm giáp giới với Á châu, Âu châu, lân cận với Trung Đông. Nhưng chỉ duy yếu tố này thôi cũng không đủ để duy trì Nga như một cường quốc một thời đã qua, và mong mỏi một ngày nào đó sẽ trỗi dậy lại.


Hoàng Thuyên tóm lược

DienDanCTM

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More